Tìm kiếm

Góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành Giáo dục

Năm 2020 và nửa đầu năm 2021, vì dịch bệnh COVID-19 nên nhiều cơ sở giáo dục ở TP Cần Thơ đã triển khai phương pháp dạy và học trực tuyến nhằm đảm bảo tiến độ học tập của học sinh, sinh viên. Qua quá trình thực hiện, nhiều chuyên gia, thầy cô, học sinh và sinh viên đánh giá việc dạy và học trực tuyến trong tình hình dịch bệnh là giải pháp phù hợp và hiệu quả. Người học tiếp cận được kiến thức dù thực hiện giãn cách xã hội. Giáo viên và giảng viên tự trau dồi và phát triển những kỹ năng dạy học mới. Phương pháp này cũng góp phần vào công tác chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, dù còn nhiều điều phải bàn bạc và cải tiến.

Bài 1: Chủ động chuyển đổi

Từ biện pháp tức thời nhằm đối phó dịch bệnh, dạy và học trực tuyến dần trở thành xu hướng nổi bật của ngành Giáo dục hiện tại. Ở TP Cần Thơ, hoạt động của ngành, các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến cao đẳng, đại học đã dần quen với hình thức trực tuyến kể từ năm 2020 đến nay.

 

Ths Mã Phương Uyên, Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Cao đẳng Cần Thơ, dạy trực tuyến.

Linh động thời gian, không gian

Buổi học online, bài về phim ảnh, môn kỹ năng giao tiếp căn bản lớp cử nhân Tiếng Anh BK45, Trường Cao đẳng Cần Thơ, do Ths Mã Phương Uyên, Trưởng khoa Ngoại ngữ, phụ trách. Cô trò tương tác trôi chảy, tự nhiên. Mở đầu tiết học, cô Phương Uyên ôn lại từ vựng, dẫn dắt lớp học xem các thể loại phim ảnh; rồi cung cấp một số tính từ và hướng dẫn cách sử dụng. Ðồng thời chiếu các thể loại phim ảnh để sinh viên theo dõi. Sau đó, cô gọi sinh viên phát biểu với yêu cầu dùng tính từ để miêu tả và đặt câu hoàn chỉnh với từng thể loại phim. Ths Mã Phương Uyên cho biết: “Ðể tiết học online thu hút sinh viên, giảng viên phải đầu tư vào bài giảng nhiều hơn. Từ nội dung bài học, giảng viên tìm một số hình ảnh, video thú vị có liên quan; tổ chức một số hoạt động tư duy gắn liền với nội dung giảng dạy để sinh viên vừa học, vừa chơi, dễ nhớ”.

Tham gia giờ học này, Ðỗ Ðình Long, sinh viên lớp cử nhân Tiếng Anh BK45, tương tác với giáo viên, bạn học qua máy tính và chia sẻ: “Học trực tuyến thầy cô có thể cung cấp cho em kiến thức rộng hơn trong giáo trình. Ví dụ môn Ngữ âm, cô cho em xem video để hiểu hơn về văn hóa, ngôn ngữ bản địa, rèn kỹ năng nghe nói chuẩn hơn”. Long cho rằng học trực tuyến có thể linh động về thời gian, không gian.

Học trực tuyến (E-Learning) là một hình thức giáo dục, học tập dựa trên sự kết nối Internet. Giảng viên, học viên tham gia thông qua sự hỗ trợ của công nghệ là máy tính, hay máy tính bảng, hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet. Học trực tuyến hiện không chỉ phát triển ở các trường đại học, cao đẳng; mà còn đang là xu hướng phát triển ở bậc giáo dục phổ thông. Thời điểm đầu năm 2020, khi cả nước xảy ra đợt dịch bệnh COVID-19 đầu tiên, Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ phải cho học sinh toàn thành phố tạm ngừng đến trường. Ngành yêu cầu các trường chuyển đổi, đa dạng hình thức dạy và học phù hợp với từng đối tượng học sinh tiểu học, phổ thông, nhằm đảm bảo tiến độ kế hoạch năm học. Hầu hết các trường THPT trên địa bàn đều thực hiện việc dạy và học trực tuyến. Qua đánh giá của cán bộ quản lý, giáo viên, hình thức học trực tuyến giúp thầy và trò linh động không gian và thời gian học tập; là giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.

Hiệu quả bước đầu

Tại Cần Thơ, hình thức dạy và học trực tuyến đã được áp dụng khá lâu tại các cơ sở giáo dục. Tùy điều kiện, mỗi đơn vị sẽ có cách thức tổ chức khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng người học. Hơn 10 năm trước, khi công nghệ thông tin chưa phát triển như bây giờ, một số cơ sở giáo dục, trường đại học ở Cần Thơ đã triển khai hình thức dạy và học trực tuyến ở các lớp học từ xa tại Trung tâm Ðại học Tại chức Cần Thơ (nay là Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ). Từ năm học 2006-2007, dạy và học trực tuyến được thử nghiệm triển khai thực hiện tại Khoa Công nghệ thông tin - Truyền thông, Trường Ðại học Cần Thơ, đến nay đã lan tỏa ở các khoa khác, với nhiều hình thức tổ chức đa dạng, bằng phương tiện công nghệ thông tin. Phương thức này còn được ứng dụng hiệu quả vào hoạt động quản lý, hội thảo, hội nghị quốc tế.

Theo TS Nguyễn Hữu Hòa, Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin - Truyền thông, Trường Ðại học Cần Thơ, khi dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, một số hoạt động của khoa phải tạm dừng hoặc chuyển đổi sang hình thức trực tuyến. Ðiển hình là hội thảo quốc tế do khoa tổ chức trực tuyến cuối năm 2020 rất thành công, cho thấy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giáo dục. TS Nguyễn Hữu Hòa cho biết: “Có một số chuyên gia nước ngoài chưa kịp đến Việt Nam vẫn tham gia hội thảo bình thường bằng hình thức online. Cán bộ giảng viên gửi bài báo khoa học về ban tổ chức tham gia hội thảo. Ðến ngày báo cáo, các chuyên gia, thầy cô trình bày bài báo cáo khoa học; linh động diễn giải qua màn hình trình chiếu”. Dịp hè năm nay, khoa tổ chức thành công hội thảo học thuật (bằng tiếng Anh) trực tuyến cho sinh viên với chuyên gia nước ngoài.

Đỗ Đình Long, sinh viên lớp cử nhân Tiếng Anh BK45, Trường Cao đẳng Cần Thơ, học trực tuyến.

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ giữa tháng 6-2021, UBND TP Cần Thơ có công văn chỉ đạo tất cả các trường học chuyển hình thức tổ chức dạy và học trực tuyến. Hầu hết 5 trường đại học, 9 trường cao đẳng đều chuyển hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến để đảm bảo đúng tiến độ kết thúc năm học 2020-2021, cũng như tổ chức học kỳ hè cho sinh viên vào tháng 7-2021. Tại Trường Cao đẳng Cần Thơ, Ban Giám hiệu trường đã nhanh chóng chỉ đạo cán bộ giảng viên, chủ động chuyển đổi sang dạy và học trực tuyến. TS Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Năm nay, thầy trò của trường đã thuần thục hơn khi ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học, mang lại hiệu quả tích cực. Kết quả này nhờ nỗ lực đầu tư của trường, sự tích cực của giảng viên và sinh viên”. Qua đánh giá, khoảng 30% số lớp học có sinh viên học trực tuyến đạt từ 90 đến 100%. Các lớp học còn lại, có sinh viên học trực tuyến đạt khoảng 75%.

Tương tự, ở Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, sinh viên một số lớp học vừa kết thúc môn học, đảm bảo đúng tiến độ của năm học 2020-2021. Huỳnh Gia Khang, sinh viên ngành Công nghệ thông tin của trường, cho biết qua các tiết học online, thầy cô càng nỗ lực hơn trong cung cấp tài liệu, tìm ví dụ thực tế dễ hiểu. “Khi có trường hợp không hiểu bài, có thể hỏi thầy cô trong hoặc sau giờ học”, Gia Khang nói. Ths Lê Hoàng Thanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Tuy thầy và trò không trực tiếp tương tác như lớp học truyền thống, nhưng lớp online vẫn diễn ra đầy đủ, tích cực trên không gian phần mềm giảng dạy trực tuyến. Ðảm bảo hoàn thành tiến độ kế hoạch học kỳ II năm học này”.

Việc tổ chức dạy và học trực tuyến ở các trường học trên địa bàn thành phố được đánh giá mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn một số rào cản nhất định, đòi hỏi có giải pháp căn cơ để triển khai hiệu quả trong hoạt động giáo dục - đào tạo.

Bài, ảnh: B.KIÊN

baocantho.com.vn

Bản đồ

Liên hệ

Khoa Ngoại ngữ, Trường Cao đẳng Cần Thơ
Địa chỉ: Số 413, đường 30/4, P. Hưng Lợi, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: 0292 3783103
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Web : http://nn.cdct.edu.vn

social